Đặc điểm của lò nung Khu_di_tích_lò_gốm_Tam_Thọ

Hầu hết các lò nung đã khai quật ở Tam Thọ đều không còn nguyên vẹn, phần vòm lò đã bị sập hoàn toàn. Các vòm lò ở đây có dáng hình lòng máng, độ dày trung bình từ 15 cm đến 25 cm, được đắp bằng đất sét vào các phên tre được uốn cong từ trước, sau đó được đầm nện kỹ tạo độ kín, chắc. Cốt tre của vòm lò được trát một lớp bùn chứa nhiều cát, khi nung lớp bùn này sẽ bị thuỷ tinh hóa tạo ra một lớp liên kết kín cho vòm lò. Loại bùn này cũng được sử dụng vào việc tạo một lớp áo thuỷ tinh màu xanh khá dày và đều ở phía trong các bộ phận khác của lò như tường lò, bầu lò...[1]

Tại Tam Thọ, có hai dạng lò nung gồm lò cóc và lò ống. Lò cóc là loại lò rất ngắn, chỉ có một bậc từ bầu đốt lên thân lò, nhìn giống một con cóc ngồi. Điển hình của loại lò này là lò nung số IA ở gò Chùa, làng Văn Vật được O. Janse khai quật năm 1937. Lò này chạy theo hướng Đông – Tây, phần bầu lò dài 2,20m, thân lò dài 6,30m, chiều rộng nhất của lò là gần 2m, chỗ cao nhất còn lại của tường lò là 1,60m. Kiểu lò nung này ngày nay vẫn còn thấy ở khu Lò Chum, thành phố Thanh Hóa.[1]

Loại hình lò ống thực chất là loại lò cóc có kích thước kéo dài ra. Điển hình lò nung số IA - Gò Quyến ở thôn Tam Thọ, có chiều dài 9,15m; lò số I- Gò án Lớn thuộc làng Văn Vật dài tới 12,40m. Các lò này không có cấp bậc nên độ dốc của mặt nền lò là rất lớn. Thông thường độ chênh lệch từ bầu đốt đến hậu lò là hơn 1m. Kiểu lò ống ở Tam Thọ còn thấy tồn tại ở các trung tâm gốm cổ khác của Việt Nam như Chu Đậu (Hải Dương) thế kỷ 15-16; Gò Sành (Bình Định) thế kỷ 15-17...[1]